Bối cảnh Chiến_dịch_tấn_công_Beograd

Chiến dịch tấn công chiến lược Iaşi-Chişinău của quân đội Liên Xô cùng với các cuộc khởi nghĩa của người Romania và người Bulgaria đã làm cho quân đội Đức Quốc xã phải rút về phía Tây bán đảo Balkan và tổ chức phòng ngự. Tại Nam Tư, hơn 1 triệu quân Đức các loại cùng hơn nửa triệu quân Croatia và Serbia thân Đức vẫn không thể làm chủ được tình hình. Cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng Nam Tư với nòng cốt là Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư đã đẩy quân Đức về thế phòng thủ tại các tuyến giao thông huyết mạch và xung quanh các đô thị lớn, trong đó có Beograd.[3] Việc giữ được các tuyến giao thông đường sắt Bắc - Nam ở phía Đông và Tây Nam Tư không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với các cụm tập đoàn quân E, F và Tập đoàn quân Serbia (Đức) mà còn có ý nghĩa lớn đối với trận tuyến phòng thủ của quân đội Đức Quốc xã trên chiến trường Hungary. Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã đã tính đến trường hợp xấu nhất, không thể giữ được phần còn lại của bán đảo Balkan thì sẽ rút các cụm tập đoàn quân này lên Hungary để ngăn chặn các chiến dịch tấn công của các phương diện quân Ukraina 2 và 3 (Liên Xô) hất quân đội Liên Xô ra xa biên giới phía Nam nước Đức Quốc xã (bao gồm cả Áo và Tiệp Khắc).[4]

Địa hình chiến trường trên hướng Beograd khá phức tạp. Mặc dù Quân đoàn bộ binh 68 (Tập đoàn quân 57, Liên Xô) đã chiếm được một khu vực đầu cầu lớn ở hữu ngạn sông Danub tại ở Vidin nhưng đường đến Beograd bị dãy núi Đông Serbia chặn ngang. Tập đoàn quân Serbia bao gồm các sư đoàn Đức và quân ngụy Serbia tổ chức phòng thủ trên các con đèo qua dãy núi này. Phía sau dãy núi Đông Serbia là sông Morava, một chướng ngại tự nhiên đáng kể. Phía Bắc Beograd là sông Danub chảy từ đồng bằng Hungary xuống cùng với các chi lưu của nó là sông Tissa, sông Bega, sông Tamish tạo thành một hệ thống các chướng ngại sông nước ngăn cản các cuộc chuyển quân và tấn công từ Đông sang Tây Serbia. Phía Tây Beograd cũng có hai con sông Sava và Kolubara cũng là những chướng ngại đáng kể trên con đường tiến vào thủ đô Beograd của Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư từ Bosnia Herzegovina đánh sang.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Beograd http://www.vojska.net/eng/world-war-2/operation/be... http://www.znaci.net/00001/237_4.pdf http://www.znaci.net/00001/245_5.pdf http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/12.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/10.html http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/07.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/08.ht... http://militera.lib.ru/memo/russian/anoshin_is/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/chheidze/04.ht...